Tháp Đôi – công trình kiến trúc Chăm độc đáo ở Quy Nhơn

Thứ năm - 29/11/2018 16:12
Có người cho rằng: gương mặt của Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) là biển, cốt cách Quy Nhơn là võ cổ truyền, tâm hồn Quy Nhơn là đồi Thi Nhân nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử yên nghỉ và lịch sử Quy Nhơn là di tích tháp Đôi.
Về thăm Quy Nhơn, hẳn rằng ai cũng được nghe những câu ca dao mà người dân phố biển nơi đây yêu thích, thuộc lòng: Cầu Đôi nằm cạnh tháp Đôi/Vật vô tri còn đèo bòng duyên đôi lứa huống chi tôi với mình. Hay như: Cầu Đôi liền với tháp Đôi/Quanh năm quấn quýt như tôi với nàng… Tháp Đôi trong các câu ca dao trên chính là một công trình kiến trúc độc đáo, dấu tích văn hóa Chăm còn lại khá nguyên vẹn trên đất Quy Nhơn ngày nay.
thap doi bao daklak
Toàn cảnh tháp Đôi
Tháp Đôi có nhiều tên gọi khác nhau. Vì tháp nằm trên vùng đất thuộc làng Hưng Thạnh xưa nên còn có tên gọi tháp Hưng Thạnh. Theo Quách Tấn trong sách “Nước non Bình Định”, người Pháp gọi tháp này là Tour Kh’mer. Hiện tháp tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo thuộc phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn. Vì có hai tháp song song đứng cạnh nhau nên người dân địa phương gọi bằng tên nôm na là tháp Đôi. Tháp nằm cạnh cầu Đôi (một cầu đường bộ và một cầu được sắt) như là sự cố tình sắp đặt của lịch sử và bàn tay con người để rồi hình tượng cầu Đôi - tháp Đôi đi vào nhiều bài ca dao trữ tình đặc sắc của người Quy Nhơn, Bình Định.
Tháp Đôi là một trong tám cụm tháp Chăm còn lại trên đất Bình Định ngày nay, một trong những di tích kiến trúc văn hóa Chăm mang màu sắc tôn giáo đặc sắc. Theo các nhà nghiên cứu, tháp có niên đại cuối thế kỷ 11 - đầu thế kỷ 13, thời kỳ vương quốc Chămpa gặp nhiều biến động. Tháp có cấu trúc độc đáo, gồm hai tháp, tháp lớn cao khoảng 25m, tháp nhỏ cao 23m, cửa chính của hai tháp đều quay về hướng Nam. Tháp được xây bằng gạch nung xếp khít với nhau bằng một thứ chất kết dính đặc biệt, một kỹ thuật xây độc đáo chỉ có ở người Chăm mà ngày nay người ta vẫn chưa giải mã được. Tháp được cấu trúc thành ba phần chính: Chân tháp là khối đá (tháp lớn), gạch (tháp nhỏ) được xếp chồng một cách vững chãi; thân tháp khối vuông và đỉnh tháp mặt cong được tạo thành bởi gạch nung xếp khít chặt. Các góc tháp được trang trí bằng nhiều tượng chim thần Garuda, tạp chủng đầu voi mình sư tử và hình người ngồi có 6 hoặc 8 tay bằng đá theo tín ngưỡng của người Chăm. Tất cả đều được chạm khắc rất tinh xảo, sinh động. Bên trong tháp lớn thờ linh vật linga và yoni thông qua biểu tượng cối và chày giã gạo.
Tháp Đôi là một trong những quần thể tháp đẹp nhất của hệ thống tháp Chăm rải rác khắp vùng duyên hải Nam Trung bộ. Trải qua sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, tháp Đôi từng bị hư hại khá nghiêm trọng. Từ năm 1990 đến 1997, được sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ Ba Lan, các nhà khảo cổ học trong nước cùng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ khoa học và những người thợ lành nghề ở Quy Nhơn, tháp Đôi được Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng trùng tu, tôn tạo để có được dáng vẻ gần như ban đầu. Hiện nay, tháp Đôi tọa lạc trên khu đất đẹp, bằng phẳng, rộng hơn 6.000 m2, thấp thoáng trong bóng những cây dừa, cau và hoa đại (những loài cây gắn liền với văn hóa Chăm), trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Quy Nhơn, Bình Định.
Đến với tháp Đôi Quy Nhơn, chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật-tôn giáo độc đáo từ trí tuệ và bàn tay tài hoa của người Chăm xưa, ngậm ngùi trước phế tích còn lại của một vương triều đã mất, lắng lòng trước sự khắc nghiệt của thời gian và dâu bể tang thương chắc chắn sẽ đem lại cho du khách nhiều điều thú vị.

Nguồn tin: Phạm Tuấn Vũ– Báo Đăk Lăk

Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây