TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH BÌNH ĐỊNH

http://dulich.binhdinh.gov.vn


Bình Định tham gia và gặp gỡ các đối tác trong và ngoài nước tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 tại Hà Nội

Trong 2 ngày 05 – 06/12/2018, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF), do Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp thực hiện cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) và báo VnExpress tổ chức.
Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 sự kiện gặp gỡ, đối thoại và hội đàm cấp quốc gia lần đầu tiên của ngành du lịch. Diễn đàn bàn luận các vấn đề xoay quanh nội dung: Phân tích thực trạng, đánh giá cơ hội và thách thức của Du lịch Việt Nam hiện nay; Xây dựng định hướng, chiến lược, mục tiêu phát triển giai đoạn 2018 – 2030; Cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm bắt toàn diện hơn cơ hội chiến lược cho sự phát triển của Du lịch Việt Nam.
dien dan1
Toàn cảnh Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 - Ảnh: TTTTXTDL
Diễn đàn được chủ trì bởi Phó Thủ tướng -Vũ Đức Đam và đại diện các Bộ, ngành Trung ương cùng 06 điều phối viên, hơn 30 diễn giả, hơn 300 chuyên gia du lịch trong và ngoài nước, hơn 100 đại diện các phóng viên báo đài, truyền hình và hơn 1500 khách mời là các tỷ phú trong ngành du lịch và bất động sản; doanh nghiệp du lịch, đầu tư trong nước và quốc tế tham dự.
Chương trình gồm 02 phiên thảo luận và Triển lãm ảnh. Phiên thứ nhất có chủ đề “Sự cần thiết cơ cấu lại ngành và phát triển du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng, bền vững”; Phiên cấp cao có chủ đề “Phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững – Tầm nhìn 2030” và Triển lãm ảnh trưng bày các tranh, ảnh nghệ thuật về các sản phẩm du lịch tiêu biểu của Việt Nam.
Tổng kết phiên thứ nhất của Diễn đàn, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định diễn đàn đã đưa ra được nhiều vấn đề quan trọng, các điểm nghẽn của du lịch từ hạ tầng, giao thông, khả năng cạnh tranh, nhân lực...
dien dan2
Ông Lê Quang Tùng phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: Báo Vnexpress
Về quan điểm cơ cấu lại ngành du lịch và phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Tùng khẳng định Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng, phấn đấu có ngành du lịch phát triển sôi động trong khu vực Đông Nam Á cũng như trên toàn cầu.
Ông Tùng cũng khẳng định các cơ quan chức năng sẽ xem xét từng khuyến nghị, giải pháp cụ thể để cải thiện ngành du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ theo xu hướng số hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 vào ngành du lịch cũng rất đang được lưu tâm. Xu hướng kỹ thuật số không chỉ dành cho việc cải thiện trải nghiệm du khách mà còn quan trọng đối với quá trình quản lý của cơ quan chức năng.
Trong số các bài tham luận của các đối tác, chuyên gia du lịch các quốc gia, bài tham luận “Đưa Du lịch Việt Nam lên một tầm cao mới” của Ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh là quan trọng và có thể vận dụng để phát triển du lịch Việt Nam.
Theo Ông John Lindquist nhận định “du khách đến Việt Nam nghỉ lại lâu nhưng chi tiêu ít hơn so với các nước trong khu vực”. Khách quốc tế đến Việt Nam trung bình ở lai là 9,5 ngày trong khi là của Thái Lan là 9,6 ngày.
Tuy số lượng ngày không chênh lệch nhiều nhưng số tiền chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ là 96 USD mỗi ngày, còn ở Thái Lan con số này lên đến 163 USD. Sau khi so sánh các con số, ông John Lindquis cho rằng xây dựng các hình thức để khách du lịch chi tiêu nhiều hơn là cần thiết.
Bên cạnh đó, ông John Lindquist chỉ ra Việt Nam có chính sách thị thực thấp nhất với các nước trong khu vực và cho rằng nếu có sự nới lỏng visa hơn nữa sẽ có thể tạo cú hích về du lịch trong tương lai. Cụ thể, theo tính toán, khi Việt Nam miễn Visa cho Anh, Italia thì tổng lượng khách đến tăng 20%.
Theo ý kiến của ông John, Hội đồng tư vấn du lịch nêu ra nhiều đề xuất tốt như là bổ sung thêm quốc gia đc miễn visa, mở rộng từ 15-30 ngày miễn. Visa quá cảnh tăng lên 72 tiếng- quá trình cấp Visa dễ dàng hơn. Ông cho rằng là đó đề xuất phù hợp và khuyến khích có hành động cụ thể.
dien dan3
Lindquist phát biểu tham luận tại Diễn đàn - Ảnh: TTTTXTDL
Đồng thời về chính sách visa, ông cũng nhấn mạnh cần tăng cường hạ tầng sân bay càng nhanh càng tốt. Bởi 2 sân bay lớn nhất hiện nay quá tải, cần thêm cơ sở hạ tầng cho phần này.
Nhưng điều này cũng cho thấy Việt Nam đang tăng trưởng du lịch nhanh. Vì vậy, cần càng nhanh càng tốt nâng cấp hạ tầng, không chỉ là sân bay, mà còn là hạ tầng kết nối sân bay.
Nhất là kết nối hạn chế với trung tâm giao thông quan trọng của châu Á. Việt Nam có số lượng chuyến bay thẳng thấp hơn hẳn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là tới khu vực Trung Đông, điều này khiến khách châu  u rất khó tới Việt Nam.
Tham luận của ông John Lindquist  cũng đưa ra 4 giải pháp  thiết yếu để du lịch Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới:
dien dan4
Tham dự diễn đàn lần này, Bình Định có cơ hội gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm nắm bắt toàn diện hơn các cơ chế, chiến lược, tiềm năng quốc gia cũng như những vấn đề còn tồn tại, thách thức cho sự phát triển của du lịch Việt Nam. Qua đó, học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng cho công tác quản lý du lịch và quảng bá xúc tiến du lịch địa phương trong thời gian tới./.

Tác giả bài viết: Lê Chi - TTTTXTDLBD

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây