VĂN HÓA BÌNH ĐỊNH

Thứ hai - 22/05/2017 08:15

 Bình Định có một mạch nguồn văn hóa rất xa xưa, nếu nói phía Bắc có nền văn hóa Đông Sơn, phía Nam có nền văn hóa Óc Eo thì Bình Định, trung điểm của khu vực miền Trung có nền văn hóa Sa Huỳnh - Truông Xe. Thừa hưởng một mạch nguồn văn hóa đồ sộ và cổ xưa cùng với hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, văn hóa Bình Định vừa lan tỏa vừa tiếp nhận những giá trị của nền văn hóa khác để bồi đắp, làm phong phú cho mình.
Ai đã một lần đến Bình Định sẽ nhớ mãi những ngọn Tháp Chămpa ngạo nghễ, đẹp đến ngây ngất bởi lối kiến trúc cho đến bây giờ cũng còn chứa đựng nhiều bí ẩn. Những nhà khảo cổ và nghiên cứu nghệ thuật Chăm đánh giá những cụm tháp Chăm Bình Định đã đạt tới độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, và đã dung hòa được những phong cách nghệ thuật Champa và Khmer khiến chúng khác với những quần thể tháp Chăm có trước và sau chúng. Với 8 cụm, 14 ngọn tháp còn lại, Bình Định là địa phương thứ 2 sau Quảng Nam sở hữu được nhiều tháp Chăm nhất nước ta hiện nay.
Bình Định, quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, hơn 200 năm đã trôi qua, nhưng dấu ấn về phong trào Tây Sơn, triều đại Tây Sơn vẫn còn in đậm ở nơi đây với những di tích Khu đền thờ Tây Sơn – Tam Kiệt, Bảo tàng Quang Trung, Thành Hoàng đế, Đài Kính Thiên, Đền thờ Thân phụ, Thân mẫu Tây Sơn – Tam Kiệt.
Bên cạnh đó, dòng văn hóa phi vật thể ở Bình Định cũng vô cùng phong phú như các lễ hội, nghệ thuật hát bội, nhạc võ Tây Sơn, ca kịch bài chòi, múa hát bá trạo của cư dân miền biển… Những lễ hội mang tính chất truyền thống và dân gian như: Lễ hội Chợ Gò, Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn, Lễ hội đua thuyền, Lễ hội cầu ngư, Lễ hội Đổ Giàn, Lễ hội Đô thị Nước Mặn…và nhiều lễ hội giàu tính nhân văn của ba dân tộc thiểu số miền núi: Bana, Chăm, H’re sống trên đất Bình Định đã tạo nên một bản sắc văn hoá của riêng vùng đất này. Đây là những món ăn tinh thần đặc sắc không chỉ đối với nhân dân Bình Định mà nó còn là đặc sản để giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước.
Văn hoá ẩm thực, Bình Định với nhiều sản vật ẩm thực nổi tiếng đã trở thành một nét văn hoá đặc sắc không thể không nhắc đến: bánh Ít Lá Gai, nem chua Bình Định (nem chợ Huyện), bún Song Thằn, bánh tráng nước dừa, Rượu Bàu Đá, thức uống được xếp vào hàng Quốc Tửu.

24 Thap Duong Long Anh Dao Tien Dat

 BÌNH ĐỊNH - ĐẤT THƠ
Gọi Bình Định là mảnh đất của văn chương, thi ca vì nơi đây đã sản sinh, nuôi dưỡng những tâm hồn thơ, những nhà thơ lớn trong nền văn học và trên thi đàn Việt Nam.
Đó là Đào Duy Từ với những dòng thơ mang nỗi trắc ẩn bôn ba của một danh sĩ đội lốt chăn trâu, chí nam nhi thời loạn, sự thức thời trước sứ mạng vua tôi bên cạnh lẽ ứng xử trong bối cảnh một đất nước tồn vong vì họa ngoại bang. Là Đào Tấn, ông Hậu tổ của hát bội, một nhà thơ xuất sắc và nhà từ khúc lỗi lạc, rồi đất Vân Sơn với 5 cha con họ Nguyễn đều giỏi từ phú, thi ca. Là một Mai Xuân Thưởng với tiếng thơ là tiếng thốt tận đáy lòng trước lúc đầu rơi, một Tăng Bạt Hổ bôn ba trùng dương hải ngoại, là Nguyễn Bá Huân ưu thời mẫn thế, là Nguyễn Trọng Trì chí khí lắng sâu đêm nguyệt tận, là Đào Phan Duân tiết tháo, Hồ Sĩ Tạo xả thân dưới cờ nghĩa...
Trong phong trào thơ mới, mảnh đất này lại sản sinh ra những thi nhân tài hoa tuyệt vời. Đó là một Xuân Diệu với nỗi cô đơn rợn ngợp trong một biển tình lai láng, Hàn Mặc Tử những bó hoa của miền phiêu linh, Chế Lan Viên với gạch rụng sao rơi vắt ngang những ánh mắt Chiêm Thành. Và còn là thi nhân Quách Tấn với sự trang trọng và đài các của một ngọn gió Đường Thi phả trên bờ giậu lũy tre, suối ngọt mây thơm quê hương Bình Định. Là một Yến Lan cùng những tiếng gọi đò chờn vờn trong trăng lạnh...
Ở nơi đây, dường như thơ ca đã ngấm vào máu thịt, từ những người học cao hiểu rộng cho đến những người nông dân chân lấm tay bùn. Làm nên một bản sắc riêng Bình Định trong bầu trời thơ ca Việt Nam với con người, non nước và truyền thống rực rỡ của thi ca.

5 Ruou Bau Da ( An nhon Binh Dinh) 1 Anh Tran Su

  BÌNH ĐỊNH - ĐẤT TUỒNG, BÀI CHÒI
Nghệ thuật tuồng (hát bội), vốn quý của dân tộc, đã phát triển rực rỡ trên mảnh đất Bình Định, gắn liền với tên tuổi các nhà soạn tuồng xuất sắc nhất Việt Nam. Mặc dù có những biến động lịch sử, trải qua chiến tranh, những người dân Bình Định vẫn giữ môn nghệ thuật đặc sắc của mình và kiên quyết chống lại những cuộc xâm lăng văn hóa từ nước ngoài để Bình Định vẫn là điểm hội tụ tài năng của nghệ thuật tuồng.
Lịch sử nghệ thuật tuồng Bình Định phát triển gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ (Hiện nay đền thờ danh nhân Đào Duy Từ ở tại xã Hoài Thanh Tây huyện Hoài Nhơn, cách quốc lộ 1A 2km) và Đào Tấn.
Ðào Duy Từ được gọi là ông tổ hát bội đầu tiên của Bình Định. Ông là người tài cả văn lẫn võ, được phong chức Táng tương Quân vụ. Là con của một nữ đào hát nổi tiếng ở kinh thành Thăng long, nên ông cũng là người rất sành về ca nhạc, thi thơ. Học giỏi, tài cao nhưng không được đi thi vì là con của đào hát thuộc tầng lớp "xướng ca vô loại", ông đã bỏ vào Nam thi thố tài năng sở học của mình và được chúa Nguyễn trọng dụng. Ông Ðào Duy Từ đã đặt các tuồng hát bội và tổ chức những đoàn hát. Với các vở tuồng rất hay đến ngày nay vẫn còn lưu truyền: San Hậu (Ông Ðình, Ðổng Kim Lân, Khương Ninh Tá), Sơn Hà Xã Tắc....
Và giữa triều Nguyễn, Bình Định lại sản sinh được một kịch tác gia về tuồng (hát bội) là ông Ðào Tấn ở làng Vinh Thạnh xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Ông sinh năm 1845, đậu cử nhân khoa Ðinh Mão (1867) tại trường thi Bình Định. Ông cũng là một nhà nghệ sĩ tài hoa, rất sành về kỹ thuật hát bội.  Ông Đào Tấn đã lập nên Học Bộ Đình Vinh Thạnh (nay thuộc huyện Tuy Phước, Bình Định). Do ông Đào Tấn đã tiếp thu được tinh hoa hát bội ở nhiều vùng nên Học Bộ Đình Vinh Thạnh đã trở thành đỉnh cao nhất trong các lò đào tạo những tài năng hát bội thời ấy. Từ Học Bộ Đình Vinh Thạnh, nhiều tên tuổi lớn trong nghề hát bội ra đời, như Bát Phàn, Cửu Khi, Bầu Thơm, Bầu Chạng… Kéo theo đó, phong trào hát bội đã phát triển rộng khắp trên khắp đất Bình Định và trở thành nét văn hóa đặc sắc của vùng đất này.
Trải qua hàng trăm năm dâu bể, hát bội đã ngày càng cắm rễ trong đời sống tinh thần của người Bình Định. Không những thế, sự giao lưu, kết hợp của nghệ thuật tuồng và võ Bình Định đã đưa tuồng Bình Định lên một tầm cao mới khác lạ hơn so với các đoàn tuồng của các địa phương khác. Nghệ thuật hát bội Bình Định được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể cấp Quốc gia theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL ngày 25/8/2014.
Hiện nay ở Bình Định, ngoài Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh, còn có hàng chục gánh hát bội ở các vùng quê. Những gánh hát bội nghiệp dư ấy vẫn thường xuyên được mời biểu diễn ở các vùng quê. Diễn viên chỉ là những anh, chị nông dân chân lấm tay bùn, chưa từng qua một lớp đào tạo chính quy nào mà chủ yếu là được cha ông truyền lại và do đam mê nghệ thuật hát bội. Sau những đêm diễn ở đình làng hoặc ngoài gò, những "Quan Công", "Lữ Bố", "Điêu Thuyền"… lại trở về với con trâu, cái cày, với mảnh ruộng vườn rau, nhưng không vì thế mà họ từ bỏ niềm đam mê đối với hát bội.

28 Mo Thi si Han Mac Tu tren doi Thi nhan ( Ghenh Rang Quy Nhon Binh Dinh ) Anh Dao Tien

   Bên cạnh hát bội, Bài Chòi cũng là một trong những môn nghệ thuật truyền thống có từ xưa của Bình Định. Hội thường được tổ chức vào mùa xuân. Người ta dựng 9 chòi hình chữ V, ở giữa là chòi trung ương. Trong một cuộc chơi bài chòi, anh Hiệu là người hô những câu thai của từng con bài như: Nhứt trò, nhì bí, tam quảng... Kết thúc một hiệp chơi, các nghệ nhân hô bài chòi diễn từng đoạn những tuồng cổ như: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lang Châu – Lý Ân, Phạm Công - Cúc Hoa... Bài Chòi Bình Định thu hút khách bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù của mình trong hàng loạt làn điệu: Xuân nữ, hò quảng, xàng xê, cổ bản và các điệu dân ca như: Lý thương nhau, vọng kim lang, hò tát nước... Sân khấu bài chòi đã thể hiện những nét đặc sắc của một bộ môn nghệ thuật dân tộc gắn liền với vùng quê đầy gió biển, hương đồng ngọt ngào, dung dị và đằm thắm.
Trước đây, Hội này thường chỉ được tổ chức ở làng quê vào dịp tết Nguyên đán. Tuy nhiên, với chủ trương tăng cường quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thông độc đáo của dân tộc, đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách, ngoài những dịp lễ Tết ra thì vào các ngày cuối tuần, Hội đánh bài chòi cổ cũng được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn và thu hút đông đảo du khách tham gia.
Nghệ thuật Bài Chòi Bình Định đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL ngày 25/8/2014. Ngoài ra, Bài Chòi Bình Định là một trong 8 loại hình nghệ thuật của Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 07/12/2017.
BÌNH ĐỊNH - ĐẤT VÕ
Bình Định là nơi hội tụ, kế thừa và phát huy cao độ những giá trị tinh hoa độc đáo của nền võ học cổ truyền Việt Nam. Kể từ khi nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo kiệt xuất của người anh hùng áo vải, cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ, võ học Bình Định đã có bước phát triển toàn diện và từ đây địa danh Bình Định - Tây Sơn đã được gắn kết và đi vào lịch sử như một bản hùng ca bất diệt, tạo nên cốt cách niềm tự hào và những câu ca trong dân gian cũng bắt đầu được người đời truyền tụng để minh chứng cho nét đặc thù của người dân đất võ:
“Ai về Bình Định mà coi, Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền”
Từ thế kỷ XV trở đi, cùng với việc tiến về phía Nam của người Việt cổ, nhiều dòng họ đã đến Bình Định khai hoang, lập ấp. Các cư dân đã tiếp nhận và thích nghi với nhiều yếu tố của nền văn hoá địa phương, tạo nên tư chất và cốt cách của con người ở vùng đất mới Bình Định, nơi hội tụ, kế thừa truyền thống thượng võ của dân tộc.
Trước thời Tây Sơn (từ khoảng năm 1600 về trước), võ cổ truyền Bình Định còn ở dạng sơ khai, hình thành chủ yếu dựa trên các thao tác lao động và sử dụng công cụ lao động hàng ngày để tự vệ.
Đến thời Tây Sơn, bắt đầu có sự giao lưu, hòa nhập giữa các dòng võ và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng. Võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn được sử sách ghi nhận là thời kỳ hưng thịnh và phát triển rực rỡ nhất, được xây dựng thành hệ thống võ học, được đưa vào hệ thống thi cử, đào tạo tướng sĩ, được nghiên cứu và áp dụng triệt để, sáng tạo trong quân sự, trong chiến đấu, phục vụ chiến trường và khuyến khích mở trường dạy võ khắp nơi.
Võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn là sự kết tinh và hoà quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau (của người bản địa, võ từ Bắc hà vào v.v.) tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh tuý nhất để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng võ học chân truyền của dân tộc.
Sau thời Tây Sơn, mặc dù khi lên ngôi, Nguyễn Ánh đã xóa bỏ mọi thành quả của nhà Tây Sơn nhưng võ cổ truyền Bình Định vẫn có khả năng tiềm ẩn và sức sống mãnh liệt, "võ vườn" vẫn được bí mật truyền dạy trong các nhà chùa hoặc các bìa rừng, vẫn được nhiều người tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm, viết sách lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Đến nửa đầu thế kỷ XIX, các dòng võ nước ngoài, chủ yếu là võ Thiếu Lâm (Trung Hoa) và nhiều môn võ như quyền Anh, Judo, Karatedo, Teakwondo... đã phổ biến và phát triển khá mạnh ở Bình Định nhưng vẫn không thể lấn át được võ cổ truyền Bình Định bởi vẫn giữ được những đặc điểm độc đáo của nó bởi Võ Cổ truyền Bình Định có những đặc điểm riêng.
Võ cổ truyền Bình Định vô cùng phong phú, đa dạng nhưng tựu trung có 4 nội dung cơ bản là: luyện công, quyền thuật, võ với binh khí, luyện tinh thần. Quyền còn gọi là thảo bộ hay quyền tay không, bao gồm Cương quyền và Nhu quyền. Võ tay không chia thành 4 nhóm: Võ thể dục, võ tự vệ, võ tỷ thí và võ chiến đấu. Binh khí được dùng trong võ cổ truyền Bình Định bao gồm binh khí dài và binh khí ngắn. Loại binh khí rất cơ bản được lưu hành khá phổ biến ở Bình Định là côn (tiếng địa phương gọi là roi) với nhiều "phách roi" độc đáo chỉ có ở võ cổ truyền Bình Định: "Đâm so đũa", "Roi điểm huyệt", "Roi đánh nghịch"... Nói về tận dụng vũ khí thô sơ chống giặc, Bình Định có "Bài kiếm 12" nổi tiếng gồm 12 động tác được rút tỉa trong nhiều bài kiếm tiêu biểu của Bình Định để hình thành một cách ngắn gọn, dễ tập, dễ nhớ, được đưa vào luyện tập và thực hành chiến đấu đạt hiệu quả cao trong các lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở địa phương.
Võ cổ truyền Bình Định đã trở thành một di sản Văn hóa, một nét đẹp riêng của người dân Bình Định và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản phi vật thể cấp Quốc gia năm 2012. Đến đây, ngoài việc xem biểu diễn từ các đội chuyên nghiệp, du khách có thể tham quan việc luyện võ trực tiếp từ người dân lao động bình thường nơi thôn dã với các địa danh nổi tiếng như “roi Thuận Truyền, quyền An Thái” hoặc “trai An Thái, gái An Vinh” (Thuận Truyền thuộc xã Bình Thuận - Tây Sơn, An Vinh thuộc xã Tây Vinh - Tây Sơn, An Thái thuộc xã Nhơn Phúc - An Nhơn) hoặc chùa Long Phước (xã Phước Thuận – Tuy Phước) là những nơi xuất phát của võ cổ truyền Bình Định. Du khách có thể đến nhà biểu diễn võ thuật Tây Sơn trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung hoặc các võ đường khác như: Phan Thọ (Bình Nghi - Tây Sơn), Hồ Cương (Bình Thuận - Tây Sơn), Lý Xuân Hỷ (Đập Đá - An Nhơn), Phi Long Vịnh (Phước Sơn - Tuy Phước),... để tận mắt chiêm ngưỡng các cô gái chàng trai trong những bài quyền, roi, kiếm... mạnh mẽ, uyển chuyển. Cứ 02 năm 01 lần, vào các năm chẵn tại Bình Định lại diễn ra Liên hoan (Festival) Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam cho tất cả các võ sinh học võ cổ truyền Việt Nam từ tất cả các quốc gia trên thế giới về tụ họp, trao đổi, nghiên cứu bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam.
 

4A hat boi

    

Tổng số điểm của bài viết là: 43 trong 10 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 10 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây